Chương : 39
Chân bị thương, đi lại bất tiện, mọi việc Nhược Hi đều phải nhờ cậy Ngọc Đàn. Ngày nào Ngọc Đàn cũng đốt lò sưởi, dọn thức ăn đồ dùng đâu ra đấy cho Nhược Hi xong, mới tất bật đi làm việc của mình.
Nhược Hi, chân đau thì ít, lòng buồn thì nhiều, đâm nản chẳng màng nhúc nhích, hễ ngồi yên được là cứ ngồi cả ngày, đăm đăm trông làn khói lờ lững trên lò hoặc nhìn chằm chằm vào trang sách rất lâu mà không lật. Thảng hoặc muốn luyện viết, nàng lại đi mải miết mài mực, đến khi tỉnh ra thì thấy đã đầy ắp một nghiên, nhưng không còn lòng dạ nào cầm bút nữa.
Ngọc Đàn kể, Bát a ca bị cảm lạnh không thể lên triều. Nhược Hi đang ăn, nghe tin mà buốt ruột, cơm canh trong miệng bỗng cứng như quặng sắt, khó bề nuốt trôi, đành buông đũa bát xuống. Thì ra lòng dẫu có kiếm sắc, vẫn không thể cắt đứt tơ tình.
Chàng cảm lạnh, là do hôm ấy hay hôm khác? Vì ở lâu ngoài tuyết ư? Có nặng không?
Dù tự nhắc nhở rằng từ nay việc của chàng không còn dính dáng đến nàng nữa, nhưng hễ lơ là kiểm soát, nàng lại thấy tâm trí hướng về phía chàng rồi.
oOo
Chêm cái đệm sau đầu, Nhược Hi ngồi ngả trên sập, đương thừ người ra thì nghe cửa mở đánh thình. Nàng giật mình ngồi bật dậy, thấy Thập Tứ a ca mặt mũi hằm hằm đứng ngay ngưỡng cửa. Gã lừ lừ tiến lại, mắt soi mói nhìn nàng. Nhược Hi thầm thở dài, lại ngả mình ra như cũ, rèm mi vô thức cụp xuống.
Đến bên sập, Thập Tứ a ca dừng chân, rồi đột ngột chộp lấy cánh tay Nhược Hi. Theo đà kéo của gã, nàng buộc phải thẳng người dậy, nhưng mắt vẫn lầm lì nhìn xuống. Thập Tứ gay gắt hỏi:
- Chuyện gì? Vì sao?
Gã gồng tay nghiến mạnh làm Nhược Hi đau điếng. Nàng ngước mắt lên, ôn tồn bảo:
- Buông tôi ra!
Thập Tứ cười gằn:
- Điềm tĩnh lắm, không thương tâm chút nào sao? Hay là do không có trái tim?
Không có trái tim ư? Ước gì nàng không có tim thực. Nhược Hi loay hoay nậy tay Thập Tứ, gã liền bóp mạnh hơn, khiến nàng hự khẽ, không nhịn được bật kêu:
- Đau! Bỏ ra!
- Vẫn còn biết đau à? Thế này liệu có giúp cô hình dung nỗi đau của người khác không? Được cho để bị giằng mất, thà đừng bao giờ được cho lại hơn. Nay thay lòng đổi dạ, ban đầu sao nhận lời? Cô đang đùa bỡn ai đấy? Tàn nhẫn thế à, hay là đỏng đảnh? – Gã vặn mạnh tay Nhược Hi, khiến nàng càng đau nhói.
Nhược Hi nện vào cánh tay gã, la lối:
- Bỏ ra! Nghe chưa? Tôi bảo anh bỏ ra! Anh là cái thá gì? Quyền gì mà thò mũi vào việc của tôi?
Thập Tứ a ca hừ một tiếng:
- Ta là cái thá gì à? Hôm nay chúng ta phải nói chuyện cho cặn kẽ. Nếu cô giải thích xuôi tai thì tính tiếp, còn nếu cô ấm ớ nhập nhằng, ta sẽ khiến cô mở mắt ra, để xem ta có quyền thò mũi vào việc của cô không.
Xét đến cùng Thập Tứ a ca vẫn thuộc hàng chủ nhân, Nhược Hi chẳng qua chỉ là phận nô tỳ. Song vốn dĩ đã đứt gan đứt ruột, mấy hôm nay đều phải gắng gượng che giấu tâm tư, bây giờ vừa giận vừa đau, nàng không nín nhịn nổi nữa, bèn đấm Thập Tứ túi bụi, nước mắt giàn giụa, khóc váng lên:
- Buông tay, buông tay ra!
Hai người đang giằng co, chợt có tiếng gọi:
- Thập Tứ đệ!
Mắt mờ lệ, Nhược Hi trông lên. Thập Tam a ca đang đứng nơi cửa, phía sau là Tứ a ca. Người trước lộ vẻ sửng sốt, người sau vẫn lãnh đạm như thường, lẳng lặng nhìn Thập Tứ a ca.
Thập Tam cười hỏi:
- Các người đang diễn kịch gì đấy? Hình như chúng ta đến không đúng lúc thì phải.
Thập Tứ a ca hơi lỏng tay, nhưng vẫn ghìm rất chặt, Nhược Hi giật ra không được. Thập Tứ lạnh lùng nhìn Thập Tam, Thập Tam cười hì hì nhìn trả, mắt liếc rất nhanh bàn tay đang nắm Nhược Hi, rồi lại nhìn lên mặt cậu em với vẻ thân thiện.
Tứ a ca thong thả bước vào, điềm tĩnh bảo:
- Bọn ta vừa từ chỗ ngạch nương lại đây. Ngạch nương đang nhớ em đấy, nếu rảnh rỗi thì sang vấn an người đi.
Thập Tứ a ca vụt siết chặt tay, rồi buông Nhược Hi. Nàng liền rụt tay về xoa nắn. Thập Tứ cúi lưng, hạ thấp đầu xuống sát đầu nàng, cười bảo:
- Mấy hôm nữa, có thời gian ta lại vào thăm.
Nói đoạn, không buồn đếm xỉa đến vẻ tức giận và choáng váng của Nhược Hi, gã mỉm cười bái chào hai anh, quay mình thủng thỉnh đi ra.
Nhược Hi đưa tay áo lên mặt quệt qua quýt, lúng túng nhìn Thập Tam a ca. Thấy nàng vịn thành sập định trở dậy làm lễ, Thập Tam bèn nói:
- Chân đau, miễn đi!
Nhược Hi nhân đà, ngồi lại trên sập cúi mình về phía Tứ a ca thỉnh an:
- Tứ vương gia cát tường! Thập Tam a ca cát tường! Nô tỳ cử động bất tiện, không thể dâng trà cho hai vị, mong hai vị lượng thứ.
Thập Tam a ca ngồi phịch xuống chiếc ghế gần đấy, ngả mình ra lưng tựa, cười bảo:
- Kể ngọn ngành vở kịch vừa nãy thì chúng ta lượng thứ.
Nhược Hi xót lòng, mắt lại rơm rớm lệ, vội quay đi lau. Thập Tam a ca thở dài:
- Thôi được, thôi được, ta không hỏi nữa.
Nhược Hi ngoảnh lại cười chua chát. Thập Tam a ca im lặng chốc lát, rồi nghiêm trang nói:
- Nếu Thập Tứ đệ gây khó dễ cho cô, cô cứ nói ra. Chưa chừng ta sẽ giúp hoá giải được đấy!
Nhược Hi gắng lên tinh thần, mỉm cười cảm kích:
- Không có gì ghê gớm đâu, chỉ là cãi cọ qua loa thôi. Anh cũng biết tôi với Thập Tứ a ca từ nhỏ đã đấu khẩu suốt, một thời gian nữa sẽ ổn cả mà.
Thập Tam a ca nhún vai:
- Không muốn nói thì ta không ép. Nhưng nếu gặp điều khó xử, đừng chịu đựng một mình. Có thể ta không trực tiếp thu xếp được, song góp ý, bàn cách thì chẳng đến nỗi nào đâu.
Nhược Hi gật đầu. Thập Tam a ca nghiêng đầu tủm tỉm:
- Nhược bằng vẫn không xong, thì cứ mách anh rể cô. Thập Tứ đệ ngang bướng thật, nhưng rất biết nghe lời Bát ca đấy!
Nhược Hi thót tim. Không dám để lộ ra mặt, nàng liếc nhanh Tứ a ca, thấy sắc diện chàng vẫn như thường, bèn cười lấp:
- Chỉ sợ bị kẻ xấu đi mách trước, chứ tôi thì miễn thôi – Không muốn câu chuyện thêm dây dưa, nàng bèn nói lảng – Cảm ơn anh ghé thăm, cả vụ hôm trước nữa, cũng cảm ơn luôn.
Thập Tam a ca nhách miệng, không đáp. Tứ a ca hỏi:
- Chân lành lại chưa?
Nhược Hi cúi mình:
- Thái y nói bị thương vào gân cốt, nhưng không nghiêm trọng gì, chỉ cần tĩnh dưỡng thêm một thời gian là được.
Nghe xong, Tứ a ca bảo Thập Tam:
- Về đi!
Thập Tam gật đầu đứng lên. Sực nhớ ra một việc, Nhược Hi vội gọi gã lại. Hai a ca cùng dừng bước, yên lặng đợi nghe. Nhược Hi lúng túng cau mày, nhất thời không biết bắt đầu từ đâu, lại thêm sự có mặt của Tứ a ca, nàng thấy càng khó mở lời. Tứ a ca nheo mắt nhìn nàng, buông thõng:
- Ta về trước vậy!
Chàng nhấc chân đi, Thập Tam a ca vội giữ lại, ngoái đầu bảo Nhược Hi:
- Ta không giấu Tứ ca việc gì bao giờ cả, cô cứ nói thẳng ra.
Thấy tình hình ấy, Nhược Hi những muốn trì hoãn, nhưng giờ không nói thì không được nữa, đành cười xoà:
- Tôi muốn hỏi anh một việc – Nàng đưa tay mời gã ngồi, rồi mỉm cười mời đến Tứ a ca – Không phải là ngại vương gia, chỉ hiềm chưa biết bắt đầu từ đâu nên hơi lưỡng lự.
Hai người yên vị, cùng đưa mắt nhìn nàng. Nhược Hi nhằn nhằn khoé miệng, nói với Thập Tam:
- Đợt vừa rồi theo Hoàng thượng ra biên tái, tôi có gặp Mẫn Mẫn cách cách.
Thập Tam hơi ngẩn người, chân mày nhíu lại. Tứ a ca quay sang quan sát gã, tủm tỉm cười.
Nhược Hi nhìn hai đầu mày châu vào nhau của Thập Tam, lòng thất vọng hẳn đi, nhưng vẫn gắng gượng tiếp:
- Đối với Mẫn Mẫn, anh… Ơ!
Nhược Hi còn đang nói, Thập Tam đã đứng phắt dậy. Tứ a ca mím miệng cười, nhìn hết người nọ đến người kia. Thập Tam giục toáy:
- Đi đi!
Rồi quay gót. Vẫn ngồi nguyên trên ghế, Tứ a ca vươn tay kéo gã lại:
- Chuyện còn dang dở, sao đã vội đi?
Thập Tam tỏ vẻ lo ngại, nhìn từ Nhược Hi sang Tứ a ca, nhăn nhó nói:
- Hai người xem! Vật đổi sao dời thật nhanh quá, mới một chốc mà đã đến lượt tôi lên sân khấu rồi?
Gã gục gặc ngồi trở lại ghế. Nhược Hi bưng miệng cười. Thì ra cũng có việc khiến cái tay ngang ngược này phải lẩn tránh. Thập Tam a ca uể oải ưỡn mình ra lưng tựa:
- Hỏi đi! Các vị giằng kéo không buông tha tôi, rốt cuộc chỉ có mỗi chuyện ấy thôi.
Nhược Hi ngưng cười, giọng bùi ngùi:
- Tâm tư của Mẫn Mẫn, chẳng nói chắc anh cũng hiểu. Thế anh thì sao?
Thập Tam hỏi:
- Mẫn Mẫn tâm sự với cô?
Nhược Hi gật đầu. Thập Tam a ca ngơ ngẩn một lúc, trân trối nhìn cuốn sách trên bàn:
- Ngoài đồng cỏ thiếu gì đàn ông tử tế. Mẫn Mẫn chẳng nên lãng phí tình cảm vì ta.
Mọi người cùng rơi vào im lặng. Thực ra Nhược Hi cũng đã đoán trước được rồi. Mẫn Mẫn tuy tốt, nhưng chưa chắc là người Thập Tam a ca cần. Đoán thì đoán, song cứ nhớ đến khuôn mặt rạng rỡ dưới trời sao thảo nguyên, nghĩ từ nay về sau cô phải chấp nhận một thực tế là cả quận chúa cao sang cũng không thể đạt được mọi điều mong muốn, lại tưởng tượng ra nét tươi tắn có thể mai một phôi pha, Nhược Hi vẫn buồn rầu vô hạn. Cầm lòng không đậu, nàng cố vớt vát:
- Mẫn Mẫn cách cách là người rất tốt…
Thập Tam a ca ngắt lời:
- Cô vốn hiểu biết, cớ sao viện dẫn những lời hồ đồ như vậy? Dẫu là tiên trên trời mà không hợp ý ta, thì cũng có gì để nói chứ?
Nhược Hi khẽ thở dài, lẩm bẩm:
- Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình.
Thập Tam a ca đứng bật dậy, sải bước đi:
- Về thôi.
Tứ a ca theo sau, Nhược Hi vội vàng cúi tiễn. Ra tới bên ngoài, Tứ a ca ngoảnh lại khép cửa cho nàng, dặn thêm:
- Bệnh tuy không nặng, nhưng tự mình cũng nên cẩn thận, vào gân vào cốt là dễ di căn lắm đó.
Nhược Hi định ngẩng lên đáp tạ, thì cửa đã đóng kín rồi.
oOo
Chân Nhược Hi chưa lành, ngày cuối cùng của năm Khang Hy thứ bốn mươi tám đã tới.
Nàng ngả người trên sập, chăm chú nhìn ánh nến chập chờn. Cuộc đời chẳng còn vui buồn gì nữa, chỉ là ngày nọ nối tiếp ngày kia. Đang ngồi suông, chợt thấy Ngọc Đàn ùa vào nhà, gió lạnh ào vào theo. Ngọc Đàn đặt ngay hộp cơm trên tay xuống bàn, quay ra khép cửa, rụt cổ càm ràm:
- Lạnh quá đi!
Nhược Hi thắc mắc:
- Hôm nay em thị hầu Hoàng thượng cơ mà? Tiệc chưa tan sao đã về rồi?
Ngọc Đàn vừa xoa xát tay trên lò sưởi, vừa ngoảnh nhìn Nhược Hi:
- Em xin Lý an đạt cho Thu Thần làm thay, đằng nào thì chị ấy cũng muốn tham dự bữa tiệc vui vẻ này mà.
Tiệc giao thừa hằng năm, những người góp mặt phục vụ đều được ban thưởng, lại có cơ hội gặp gỡ nhiều nhân vật và chứng kiến nhiều hoạt động hằng ngày ít thấy, bởi vậy có thể coi là một công việc lý tưởng mà ai ai cũng muốn nhận làm. Nay chỉ vì chăm sóc Nhược Hi, Ngọc Đàn lại đi thoái thác, Nhược Hi không nén được cảm động, thở dài bảo:
- Tôi ở nhà một mình cũng không đến nỗi buồn bã. Sao em phải vì tôi mà đi xin xỏ Lý an đạt? Tự nhiên lại mang ơn mắc nợ người ta ra.
Ngọc Đàn hơ ấm tay, nhấc nắp hộp cơm, cười đáp:
- Em chuẩn bị thức ăn ngon rồi đây. Tối nay hai chị em vừa đánh chén vừa nói chuyện, cùng đợi đón năm mới, chẳng phải vui hơn là đi hầu hạ người ta hay sao?
Cô bày đĩa chén ra chiếc bàn trên bệ sưởi, lại bỏ thêm một nắm bột bách hợp vào lò hương. Hai người tựa đệm mềm, bắt đầu ăn uống. Một lúc lâu sau, Nhược Hi không nhịn được, làm như vô tình hỏi:
- Em có thấy chị tôi vào cung không?
- Có đấy. Cả Bát gia nữa – Ngọc Đàn cúi ăn – Nhưng hình như tại vừa ốm dậy nên trông ông ta không được tươi tỉnh lắm, mặt trắng nhợt trắng nhạt.
Nhược Hi cầm chén, ngửa cổ uống ực một hơi nên sặc, dẹo người húng hắng ho.
Cả hai vừa ăn vừa chuyện trò, Nhược Hi vốn muốn uống thêm rượu, nhưng Ngọc Đàn chỉ cùng nàng cụng vài chén, rồi thu lấy bình đem cất đi:
- Chị chưa bình phục, uống rượu ít thôi, cốt để mừng năm mới là chính.
Nhược Hi phì cười:
- Em bắt đầu cai quản tôi đấy hả?
Ngọc Đàn cười rúc rích, nhăn mặt trêu Nhược Hi, đoạn múc bát canh sườn bò cho nàng:
- Chị uống cái này hơn này.
Ăn xong, hai người cùng trèo lên bệ sưởi nằm tán nhảm, cũng không có ý đợi đón giao thừa, nên khi tiêu cơm thì ai về phòng nấy nghỉ. Nhược Hi vì lòng chất chứa tâm sự, ngủ không yên giấc. Ngọc Đàn thì vì đêm qua đã nhờ Thu Thần trực thay, nên sáng nay phải thức sớm đi làm bù.
Nghe tiếng cô khép cửa, Nhược Hi khẩn trương bò ngay dậy, rửa ráy xong xuôi thì mở hòm, lấy hết thư từ suốt mấy năm qua ra. Ngón tay lướt nhẹ tới phong thư nào, nàng lại trân trân nhìn mãi phong thư ấy, những muốn mở xem lần nữa, nhưng sau cùng bấm bụng lấy giấy xuyến gói cả vào.
Nhác thấy sợi dây chuyền mộc lan nằm bẹp dí dưới đáy hòm, nàng cũng nhặt luôn lên, nghĩ ngợi đôi hồi rồi lại bàn, cầm bút viết một lá thư. Không muốn mất thời gian cân nhắc câu chữ hành văn, nàng cứ nghĩ gì viết nấy, cốt sao chàng hiểu là được.
Nô tỳ chỉ là một nữ nhân bình thường, vương gia xem chữ và thư của nô tỳ, chắc đã thấy chẳng phải hạng văn tài xuất chúng. Dung mạo có lẽ cũng tàm tạm, nhưng trong Tử Cấm thành, những người nhan sắc diễm lệ thiếu chi, nô tỳ khó mà coi là nổi bật. Bây giờ nô tỳ cúc cung hầu hạ thánh thượng, đợi đến tuổi được về nhà, nô tỳ sẽ đi ngay, đời này không lấy ai cả. Trước đây nô tỳ hành xử bộp chộp, thiếu suy nghĩ, khiến vương gia hiểu lầm không ít, nay chỉ biết cầu xin vương gia lượng thứ. Nô tỳ đã quyết tâm sống độc thân, không gá nghĩa với ai hết, vương gia đừng phí công thêm vì nô tỳ.
Viết xong, Nhược Hi đọc kỹ một lượt, cân nhắc chốc lát lại xé đi, chấp bút từ đầu:
Đến tuổi xuất cung, nô tỳ sẽ đi khỏi đây. Vì sinh nở mà ngạch nương mất sớm, nô tỳ vẫn ân hận là đời này không được tận hiếu với người. Nô tỳ không định lấy ai, chỉ muốn bầu bạn với tiếng kệ câu kinh, tụng niệm cầu phúc cho mẫu thân. Trước đây nô tỳ hành xử bừa bãi, khiến vương gia hiểu lầm…
Nhược Hi lấy phong bì, thả thư và dây chuyền vào trong, ngồi lặng nhìn đám đồ vật trên bàn. Nếu họ đến, nàng sẽ hoàn trả tất cả. Nếu không đến, tức là bọn họ đã bỏ cuộc, đi tìm cơ hội khác cho mình. Sực nhớ tới chiếc vòng ngọc ở cổ tay, Nhược Hi bèn tuốt ra, thử mấy lần không được, cứ ngồi mân mê chiếc vòng, lòng ngơ ngẩn.
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, Nhược Hi vội lấy lại tự chủ, đứng lên đi ra, tự hỏi Tiểu Thuận Tử hay Phương Hợp đây.
- Cô nương cát tường – Phương Hợp mau mắn cúi chào, móc lấy phong thư trong ngực áo.
Nhược Hi mỉm cười:
- Công công hãy gượm, tôi có vài món nhờ công công chuyển lại.
Phương Hợp ngạc nhiên, nhưng vẫn gật đầu lĩnh mệnh.
Nhược Hi vào phòng, chăm chú nhìn bức thư trong tay, ngẩn ngơ một lúc rồi mở gói giấy xuyến trên bàn, thả lá thư nguyên đai nguyên kiện vào cùng với những thư kia, rồi gói lại như cũ, lấy hồ dán kín. Xong xuôi, nàng quay ra đưa cho Phương Hợp:
- Làm phiền công công!
Phương Hợp cất món đồ, tươi cười đáp:
- Không phiền, không phiền gì cả – Nói đoạn, hắn khoát tay chào rồi nhanh nhẹn bước đi.
Tựa vào khung cửa, Nhược Hi đứng lặng, nhìn theo bóng hắn tới khi khuất dạng, lòng mãi lẩm nhẩm: "Từ nay không còn dây dướng gì nữa, từ nay không còn dây dướng gì nữa…"
Giờ ăn trưa đã qua, Tiểu Thuận Tử vẫn chưa đến. Nhược Hi nghĩ bụng, thế cũng tốt, chàng buông tay, từ nay mọi người đều yên ổn. Nàng đang tính cách trả sợi dây chuyền, tiếng gõ cửa lại vang lên.
Nhược Hi thở dài ra mở. Tiểu Thuận Tử tươi cười thỉnh an:
- Tôi đem một món đến cho cô nương.
Nhược Hi nhận lấy:
- Phiền công công đợi một lát, tôi có vài thứ nhờ chuyển.
Nàng khép hờ cửa, trở gót vào phòng, tiện tay mở cái hộp gỗ thuôn dài vừa nhận. Trong hộp là một ngọn trâm ngọc màu sữa hình mộc lan xoè cánh, lóng lánh như toả hào quang. Nhược Hi chẳng buồn xem kỹ, nhét nó vào phong bì lúc trước, dán kín lại rồi trở ra đưa cho Tiểu Thuận Tử. Đợi hắn thu cất xong, nàng quay vào đóng cửa.
Tựa lưng vào cửa rất lâu, nàng bỗng nhiên bừng tỉnh. Chẳng ngờ ngày đầu tiên của năm lại là ngày kết thúc mọi sự, Nhược Hi hít sâu một hơi, vung nắm đấm lên tự hét lớn với mình:
- Năm mới, vận hội mới!
Hét xong, nàng quyết định dọn dẹp nhà cửa. Đã sống thì nên gắng gỏi để sống cho thật tốt. Yêu đương dở dang, có thể đau lòng một dạo, suy sụp một dạo, nhưng không thể đặt hết vận mệnh vào tay người đàn ông chối bỏ mình, không thể sống u ám ảm đạm cho đến trọn đời mãn kiếp. Thể chất nàng mới có mười tám tuổi, thiếu tình yêu, vẫn còn đầy việc để làm. Vài năm nữa qua tuổi tú nữ, rời khỏi cung rồi, nàng sẽ lên Tái Bắc ngắm chiều tà đại mạc, sang Giang Nam dầm mưa bụi mênh mang. Trước đây từng muốn rong ruổi cao nguyên Thanh Tạng và du lịch Vân Nam, nhưng chưa thực hiện được. Ở thời hiện đại, lúc có thời gian thì thiếu tiền, lúc có tiền thì thiếu thời gian. Bây giờ tiền nàng có cả nắm, cứ cầm bừa một món trang sức đi bán cũng đủ tiêu xài một thời gian, tội gì không nhân cơ hội này tận hưởng cuộc sống phiêu du mà nàng vẫn mơ ước chứ?
Từ khi trở về thời phong kiến, nàng toàn luẩn quẩn trong phủ trong cung. Mai này thì khác, vui với cảnh thiên nhiên, mặc hết chuyện hồng trần, dạo khắp hai bờ nam bắc Đại Giang, kết giao anh hùng thiên hạ, chẳng phải sẽ tự do lắm ư? Quả là bao việc vui thú đang đợi chờ.
Nhược Hi vừa tưởng tượng vừa tủm tỉm cười, tay thoăn thoắt xếp dọn nhà cửa, nhưng lệ cứ ràn ra khoé mắt, lã chã tuôn rơi.
oOo
Một buổi chiều tháng Hai, nắng ấm áp rọi sáng bừng cả phòng.
Nhược Hi ngồi nơi bàn xem mấy bài thơ viết về trà của Tô Thức như Tào Phủ gửi cho ít trà Hác Nguyên mới sao, Đun trà ở trường thi… Ngọc Đàn thì ngồi trên sập, đang thêu hoa lên khăn. Hai người lặng lẽ ai làm việc nấy, không khí trong nhà êm ả thư nhàn.
Được một lúc, Ngọc Đàn đặt khung thêu sang một bên, lại bàn thay trà mới cho Nhược Hi, tiện thể thay trà cho mình, mỉm cười nhận xét:
- Người thạo chữ nghĩa, ham sách vở, kể cũng khác thật.
Nhược Hi mải đọc, không ngẩng lên ngay, chỉ lơ đãng hỏi:
- Khác thế nào?
Ngọc Đàn đến đứng cạnh:
- Thì lúc nào chị cũng ung dung thư thái. Kể ra, chị Vân Hương và nhiều chị khác vào cung trước, còn hơn tuổi chị, xuất thân cũng không lấy gì làm thấp kém, nhưng đặt họ bên chị, thì người nào hiểu biết liếc mắt qua là phân biệt được cao thấp ngay.
Nhược Hi buông sách xuống, uống một ngụm trà rồi liếc mắt nhìn cô:
- Đừng ngon ngọt nữa, muốn hỏi gì thì hỏi thẳng đi.
Ngọc Đàn cười khúc khích một lúc mới hỏi:
- Chuyến này đi Ngũ Đài sơn, Hoàng thượng sẽ cho ai đi?
Nhược Hi chép miệng:
- Té ra có người đang lo không được đưa đi chơi cùng.
Ngọc Đàn bĩu môi:
- Chẳng mấy khi Hoàng thượng đi Ngũ Đài sơn, lần trước là năm bốn mươi mốt, để lỡ cơ hội này thì chưa chắc còn lần sau.
Nhược Hi lại cầm sách lên, cười nói:
- Việc này tôi đâu quyết được, nhưng nếu Lý an đạt hỏi tới, tôi nhất định sẽ đề xuất em.
Ngọc Đàn cười hì hì:
- Chị tốt bụng của em, cảm ơn chị nhiều.
Nói rồi quay trở lại sập, tiếp tục thêu hoa.
Nhược Hi đăm đăm nhìn sách, nhưng đầu óc lại lan man. Chuyến này đi Ngũ Đài sơn, Khang Hy ra lệnh cho Thái tử gia và các a ca Tam, Bát, Thập, Thập Tam, Thập Tứ tuỳ giá, nếu có thể được thì nàng sẽ tìm cách không đi, cốt sao tránh chàng càng xa càng tốt.
Khác với ở trong cung, hễ ra ngoài thì cơ hội chạm mặt sẽ nhiều hơn hẳn. Tuy tất cả là chuyện đã qua, nhưng nàng chưa thể coi chàng như người xa lạ, nàng cần thời gian để mọi chuyện nhạt phai, để những lớp sóng bấy nay lắng lại.
Kế đó, Nhược Hi lại nhớ tới Tứ a ca. Nàng vốn ngần ngại thái độ của chàng về phong thư hôm Tết, nhưng đến giờ chàng cũng chẳng mảy may phản ứng, chắc hẳn hứng thú đã nguội. Nàng nhủ thầm: Tạ ơn trời đất!
Hôm sau, hết giờ thiết triều, Khang Hy về cung, có cả tốp a ca đi cùng: Thái tử gia, Tứ vương gia, Ngũ vương gia, Bát Bối lặc, Cửu Bối tử, Thập Bối tử, Thập Tam Bối tử và Thập Tứ Bối tử. Phòng ấm kể cũng không phải là nhỏ, nhưng đông người như thế thành ra hơi chật, vừa chật vừa ồn ào. Khang Hy tuổi tác đã cao, xem chừng ngồi lâu trên ngai vàng cô đơn tịch mịch, thi thoảng cũng thèm muốn cái nhộn nhịp vui vầy của người thường.
Khi Nhược Hi vào dâng trà, các a ca đang rộn rã cười nói với Hoàng thượng về việc đi Ngũ Hành sơn lần trước, Khang Hy cũng tỏ vẻ hiền từ khác thường.
Nhược Hi nhẹ nhàng đặt trà lên bàn. Khang Hy tiện tay cầm lấy, mở nắp nhấp khẽ một ngụm, cười hỏi:
- Lần trước đi Ngũ Đài sơn, Nhược Hi còn chưa vào cung thì phải?
Nhược Hi cúi thưa:
- Đúng ạ! Thật tiếc là muộn mất ba năm, năm bốn mươi tư nô tỳ mới nhập cung.
Khang Hy nhìn sang Lý Đức Toàn:
- Chuyến này Nhược Hi có đi cùng không thế?
Lý Đức Toàn đưa mắt nhìn Nhược Hi, nàng vội đáp:
- Dạo trước nô tỳ cứ lệt bệt suốt, từng xin nghỉ một thời gian, bây giờ đi lại cũng ổn rồi, nhưng chỉ sợ hầu hạ vẫn chưa chu đáo được như cũ. Nay Hoàng thượng du hành xa, số người phục vụ vốn đã ít hơn khi ở trong cung, nên nô tỳ có đề nghị Lý an đạt chỉ chọn những người đầy đủ khả năng thôi.
Khang Hy trầm ngâm ngắm Nhược Hi một lúc, thở dài bảo:
- Ốm đau lâu thật, giờ trông người vẫn yếu như không mang nổi áo – Ông quay sang dặn Lý Đức Toàn – Vậy cho Nhược Hi nghỉ lại trong cung.
Nhược Hi vội quỳ xuống khấu đầu:
- Đội ơn Hoàng thượng!
Khang Hy cười nói:
- Gắng mà tĩnh dưỡng. Muốn ăn uống gì cứ dặn Vương Hỉ, mau mau khoẻ mạnh lanh lợi lên để phấn chấn tinh thần phục vụ trẫm. Trà bánh trước đây cứ một dạo lại có cải tiến, bây giờ đừng nói cải tiến, đến đối đáp cũng chẳng còn nhanh nhảu như xưa. Niệm tình ngươi đau ốm, trẫm không phạt đấy.
Nói rồi ông cất tay, cho nàng đứng lên.
Nhược Hi bê khay trà cúi đầu lui xuống, ra khỏi rèm châu, không nén được ngoái đầu liếc về phía Bát a ca. Chàng đang rủ mắt ngồi lặng, người gầy gò đi nhiều, tiếng cười nói khắp phòng cũng không át nổi vẻ cô liêu tịch mịch. Lòng chua xót, nàng rảo chân bước đi.
oOo
Khang Hy dẫn các a ca lên Ngũ Đài sơn. Hoàng thượng đi, chàng cũng đi theo, nàng không còn lo sẽ vô tình chạm mặt, hay sợ hãi tâm trạng đớn đau bứt rứt khi thi thoảng trông thấy chàng.
Nhưng hoá ra xa cách không giúp nàng quên được. Thường khi vô tình ngẩng lên, những hình ảnh quen thuộc liền lướt qua trước mắt. Thường khi bật cười khe khẽ, nét tươi tắn của chàng lại ngẫu nhiên nháng hiện trong đầu. Nàng có thể phủ nhận ngay, gạt phắt ngay không nhìn đến nữa, nhưng tâm trạng thì đã u ám mất rồi. Lý trí điều khiển được hành động, song không lung lạc nổi trái tim, bao giờ nàng mới lãng quên thực sự, để trời quang mây tạnh lại đây?
Ngày tháng bình lặng trôi qua thật nhanh, chiếc khăn tay mà Nhược Hi đem thêu cho hết thời gian còn chưa hoàn tất, Khang Hy đã từ Ngũ Đài sơn trở về. Gặp lại Bát a ca, trông chàng hồng hào tươi tỉnh hơn hẳn lúc mới rời kinh. Khi nàng bái chào, chàng cười phớt, ánh mắt bình thản, cất tay cho nàng đứng dậy.
Nhược Hi ủ rũ nghĩ, vậy là tình đã nhạt, chàng đã buông xuôi. Có lẽ cảnh sắc miền núi khiến người ta quên được tục luỵ nhân gian, cũng có lẽ chàng không còn muốn dư hơi thừa sức vào tư tình nhi nữ nữa. Đối với chàng, tất cả là chuyện quá khứ. Đây chẳng phải là điều nàng hằng mong muốn ư? Vì sao nàng vẫn thấy hẫng hụt? Câu trả lời thật hiển nhiên, nhưng nàng không muốn tự giải thích, đành cứ phó thác mọi việc cho thời gian.
oOo
Mùa xuân đã sang, Ngự Hoa viên cỏ cây tươi tốt, vạn vật toả sức sống dồi dào. Những ngày không phải trực, Nhược Hi thường ra đây dạo chơi.
Đang bước theo con đường nhỏ lát đá trứng ngỗng thì thấy có người đi ngược lại. Tới lúc nhìn rõ mặt, muốn tránh thì thành lộ liễu quá, nàng đành đứng nép sang lề đường, nhún mình thỉnh an:
- Bối lặc gia cát tường!
Chàng nhẹ nhàng đáp:
- Bình thân!
Nhược Hi đứng dậy, cúi đầu đứng yên. Xem ra chàng chưa định rời đi ngay, Nhược Hi nhấp nhổm muốn cáo từ, đang lựa lời thì chàng đã chậm rãi nói:
- Thập Tứ đệ sẽ không làm phiền em nữa đâu.
Nhược Hi không rõ lòng mình vui hay buồn, cũng không biết nên trả lời thế nào cho phải, đành tiếp tục giữ yên lặng.
- Những lời em nói lần trước nghĩa là sao? Long Khoa Đa, Niên Canh Nghiêu, Lý Vệ, ta còn hiểu được phần nào. Nhưng Ô Tư Đạo, Điền Kính Văn, ta thực thắc mắc lắm.
Sau một lúc ngẫm nghĩ, Nhược Hi ướm thử:
- Bên Tứ vương gia không có tay tham mưu nào chân đi cà thọt, tên là Ô Tư Đạo à?
- Không có – Chàng quả quyết.
Ô Tư Đạo là người có tài, năm Khang Hy ba mươi sáu dự thi tiến sĩ, ỷ mình giỏi giang, không chịu hối lộ nên bị đánh trượt. Sau đó đã làm truyền đơn rải khắp nơi tố cáo chủ khảo, buộc tội triều đình. Vì gây náo động nên bị truy nã, Ô bỏ trốn, trên đường lánh nạn qua sông qua đò bị cướp đường trấn lột, rồi bị đánh què chân. Cả vì tiền án cả vì khuyết tật, con đường công danh coi như chấm dứt. Năm thứ bốn mươi sáu gặp Dận Chân ở Dương Châu, từ đó theo Dận Chân như một kiểu gia thần, có nhẽ vì thế mà Dận Tự không nghe biết. Ô miệng lưỡi sắc bén cay độc, khi còn lưu lạc, có người khuyên nên tránh vạ miệng, Ô từng nói: "Tâm khí càng cao, thể xác càng tàn tạ, con người tôi còn gì để trông ngóng nữa, duy trí óc là dùng được, nhưng nào ai biết cho? Chỉ còn cái sắc của miệng lưỡi, lẽ nào cũng phải bịt kín?" Xét ra không gặp Dận Chân, thì Ô cũng lại chỉ là một kẻ bất đắc chí bất phùng thời ngứa miệng chửi đổng như bao kẻ chí cả tài hèn khác mà thôi.
Điền Văn Kính thì khác, có tài năng, lại có chí lớn muốn giúp nhà giúp nước, song biết thời buổi ô trọc khó dùng cương trực mà sống được, nên cũng dùng tiền luồn lọt để thi đỗ, sau này chức làm đến Thái bảo của thái tử.
Ý nghĩ đầu tiên ập đến trong trí Nhược Hi là, mình bị cái phim Vương triều Ung Chính kia lừa rồi! Nàng đang thừ người ra, chàng lại nói:
- Trong triều cũng không có ai tên là Điền Kính Văn, nhưng lại có một kẻ tên là Điền Văn Kính.
Nhược Hi vội chữa:
- Thế thì Điền Văn Kính, nô tỳ nhớ nhầm.
Mắt đầy nghi hoặc, chàng hỏi:
- Những người những việc không liên can gì đến em như thế, làm sao em biết được?
Nhược Hi ngẩn người, đáp:
- Quan trọng là Bát gia cần lưu tâm. Còn làm sao nô tỳ biết, thì thật sự rất khó để giải thích từ đâu.
Và nàng hấp tấp cáo từ. Lặng yên chốc lát, chàng nhẹ nhàng bảo:
- Đi đi!
Nhược Hi chạy về, chửi rủa tơi tả cả biên kịch và bản thân, kẻ thì đơm đặt vô trách nhiệm, kẻ thì trí nhớ thật tồi, có mỗi cái tên cũng lẫn lộn.
oOo
Tiễn xuân đi, lại đón hạ về. Vì muốn tránh nóng, Khang Hy dọn ra Sướng Xuân viên ở ngoại thành, phía tây bắc Bắc Kinh. Nhược Hi cũng đi theo hầu hạ.
Năm Hàm Phong thứ mười, khi kéo vào Bắc Kinh, liên quân Anh Pháp sẽ tiến hành cướp bóc và phá huỷ trên diện rộng các khu viên lâm của hoàng gia. Sướng Xuân viên, vốn được hậu thế xưng tụng là viên lâm thanh tịnh nhất cũng không tránh khỏi tai vạ, các kiến trúc trong vườn đều bị thiêu rụi. Chỉ một sớm một chiều, danh viên hoàng gia lừng lẫy một thời đã biến thành tro bụi.
Thật không ngờ, một người sinh ra trong thế kỷ hai mươi như Trương Tiểu Văn lại có ngày được tận mắt mục kích khu viên lâm mà các nhà kiến trúc đời sau hết lòng ngưỡng mộ.
Sướng Xuân viên, ngụ ý bốn mùa đầy xuân, tám phương lộng gió, sáu hướng thoáng hơi. Cảnh sắc trong vườn tự nhiên tao nhã, như trời đất sinh. Dẫn lời miêu tả trong sử sách thì Sướng Xuân viên "Tường cao chưa đầy trượng, sắc lục dìu dịu, nét đỏ xuê xoa. Núi non gò đống thoai thoải, chẳng cheo leo ghềnh dốc hiểm trở. Hành lang cột nhà giản dị, chẳng vân vi chạm vẽ cầu kỳ."
Khác với hoàng cung, Sướng Xuân viên trồng khá nhiều kỳ hoa dị thảo, bốn mùa triền miên nối nhau khoe sắc. Giờ là lúc sen trong hồ mới hé vài bông, ngậm hương chưa nở, trông lại có một vẻ thanh tao ý nhị riêng. Nhược Hi bước men theo hồ, vừa thưởng hoa, vừa vơ vẩn dạo bộ, bất giác nổi hứng, nhủ bụng sẽ hoạ mấy bông rồi nhờ người thêu hộ một chiếc khăn tay toàn sen chúm chím.
Nàng đang mải mê ngắm nghía thì Vương Hỉ tất tả chạy lại. Chưa đến nơi, hắn đã bô bô cái miệng:
- Chị ơi chị ơi! Tìm thấy chị rồi! – Nói dứt thì cũng là lúc tới chỗ Nhược Hi, hắn khoát tay chào – Vạn tuế gia cho đòi chị.
Nhược Hi đi theo, thắc mắc:
- Có biết là chuyện gì không?
Vương Hỉ thoăn thoắt bước, miệng cười hì hì:
- Chưa rõ. Nhưng trước tiên cứ báo cho chị một tin mừng. Mã Nhi Thái tướng quân từ tây bắc về kinh thuật chức, Vạn tuế gia vừa mới tiếp kiến, tâm trạng vui vẻ lắm. Người truyền "Tây bắc gió cát, đất đai hoang vu", nên lệnh cho mấy vị a ca đến kiến giá lúc ấy dẫn tướng quân đi thăm vườn. Thật nở mày nở mặt chưa!
Nhược Hi ngẫm nghĩ, Khang Hy truyền gọi ta có việc gì? Mấy tháng trước, nàng từng nghe nhắc đến người cha trên danh nghĩa của mình khi Thập Tam a ca kể ông ta sắp vào kinh. Song le, một là không thân thiết, hai là nàng ở chốn thâm cung không thể nào gặp gỡ các triều thần phương xa, nhiều lắm cũng chỉ chạm mặt nhau thoáng chốc, vì vậy nàng không hề bận tâm, ngờ đâu lại vấp phải tình huống này.
Xem ra thành tích của ông ta cũng xuất sắc lắm, nếu không Khang Hy đã chẳng ban cho vinh dự như vậy, lòng Nhược Hi bỗng khấp khởi theo. Vinh thì cùng vinh, nhục thì cùng nhục, đằng nào nàng cũng không tránh được quan hệ với ông ta.
Vào tới Thanh Khê thư ốc, Nhược Hi liền quỳ xuống thỉnh an. Khang Hy cho đứng:
- Từ khi vào cung, đã hơn năm năm chưa gặp a ma phải không?
Nhược Hi cười thưa:
- Vâng ạ! Vạn tuế gia nhớ tài quá! Những việc thế này mà cũng thấu tỏ.
Khang Hy bảo:
- A ma ngươi đang tản bộ trong vườn đấy. Đi gặp đi! Khấu đầu trực tiếp cho trọn phần nào chữ hiếu, năm nay đỡ phải cúi lạy mặt trăng.
Nhược Hi cảm động, vội vàng quỳ xuống. Khang Hy còn nhớ việc nàng và Ngọc Đàn khấu đầu dưới trăng, quả là hiếm có, dù rằng không phải là khấu đầu với người cha này. Nàng vừa lạy vừa thưa:
- Tạ ơn Hoàng thượng!
Khang Hy tủm tỉm:
- Đi mau đi!
Nhược Hi quay mình đi ra, bất giác đâm bối rối. Vườn rộng thế kia, làm sao biết Mã Nhi Thái tướng quân đang ở chỗ nào? Đành đi tới đâu hỏi tới đấy vậy, cũng may cả đoàn vừa a ca vừa tướng quân như thế, nhất định phải có người chú ý.
Nàng vừa hỏi, vừa tìm. Dạo phân nửa vườn, đến đình hóng mát Lâm Hương Sơn Thuý mới trông thấy mấy người lố nhố bên trong, hình như là Tứ a ca, Bát a ca, Thập Tam và Thập Tứ a ca. Nàng vội vàng chạy tới, nhưng trong lòng ngập ngừng, lại chậm bước. Một lát nữa gặp Mã Nhi Thái tướng quân, nàng phải nói sao đây?
Nàng vò đầu bứt tai, chân càng rề rà, gần tới nơi thì nấp sau thân cây, lòng thêm lưỡng lự. Đang cúi đầu nghĩ ngợi, chợt thấy một tên thái giám phóng ào qua. Vốn đã chạy quá, hắn vẫn hớt hải quay lại thỉnh an, mỉm cười lấy lòng:
- Nô tài thật đáng chết! Không nhìn thấy cô nương!
Nhược Hi đáp:
- Tôi cố ý đứng lánh vào đây, công công không nhìn thấy cũng là chuyện thường mà – Trù trừ một lát, nàng hỏi – A ma tôi có ở trong đình không?
Hắn toét miệng:
- Có đó!
Nhược Hi gật đầu, cho hắn đi, tiếp tục đứng lặng một chốc. Trên có thánh chỉ, nhất định phải khấu đầu rồi, không thể tránh được. Sực nhớ đến Nhược Lan, nàng hít sâu một hơi, lấy hết can đảm, siết chặt nắm tay, sải bước thật nhanh lên đình, sợ bước quá chậm, bao nhiêu dũng khí vừa tập trung lại tản mát đi hết thì không còn đủ gan dạ nữa.
Vào tới đình, trước tiên nàng thỉnh an khắp lượt a ca, vừa thỉnh an vừa kín đáo đảo mắt một vòng. Trong đình chỉ có một người lạ hơn bốn mươi tuổi, mặt chữ điền, mày rậm mắt to, oai phong lẫm liệt. Tứ a ca đưa tay cho Nhược Hi bình thân. Nàng đứng lên, thầm nhủ quả nhiên có khí phách tướng quân, rồi nghiến răng quay lại ông trung niên, quỳ xuống tung hô:
- Mã Nhi Thái Nhược Hi phụng thánh chỉ khấu đầu trước a ma đại nhân!
Vừa nói, nàng vừa dập đầu binh binh binh.
Thấy Nhược Hi quỳ xuống, ông trung niên nhảy nhổm khỏi chiếc ghế đẩu tre, mặt đầy vẻ kinh hoàng, nhào tới định đỡ nàng đứng dậy, nhưng tay sắp chạm tới nàng lại cảm thấy không ổn nên lập tức rụt về, choáng váng xua lia lịa, giọng lắp bắp:
- Không phải! Không phải! Không phải!
Mấy a ca xung quanh đều đã nghệt mặt ra. Nụ cười ấm áp của Bát a ca tan biến, mặt nhuốm nét hãi hùng. Tứ a ca vốn thản nhiên lãnh đạm mà cũng không giấu được nỗi ngạc nhiên. Thập Tam và Thập Tứ a ca thì càng chẳng phải nói.
Nhược Hi nghe trong đầu nổ rầm một tiếng, tức thì hiểu ra, nàng nhận nhầm cha rồi! Nhất thời cứ ngồi ngẩn tại chỗ, đầu ong ong.
Tứ a ca là người đầu tiên lấy lại bình thản:
- Còn không đứng lên đi?
Bấy giờ, Nhược Hi mới choàng tỉnh, lật đật bò dậy. Biết làm thế nào? Giải thích ra sao? Mặt nàng đỏ lựng, tay nắm chặt, người cứng đờ.
Mọi người yên lặng một lát, rồi Thập Tứ a ca bật cười nhạt:
- Bây giờ không chỉ trái tim, mà đầu óc cũng hư hoại nốt.
Tứ a ca và Thập Tam đều đưa mắt về phía gã. Nhược Hi liếc Thập Tứ, thấy ánh nhìn của gã lạnh băng, nàng ngoảnh đi chỗ khác.
Bát a ca quay sang Tứ a ca và Thập Tam a ca, mỉm cười giải thích:
- Trước khi vào cung, hồi còn ở phủ em, Nhược Hi bị ngã thang gác, sau đó quên lãng rất nhiều việc. Đại phu nói là tại kinh hoàng quá độ. Chỉ không ngờ được là quên cả a ma – Nói đoạn, chàng lãnh đạm nhìn phớt qua mặt nàng.
Thập Tam mỉm cười thông cảm, trỏ ra sau lưng Nhược Hi:
- A ma cô đi rửa tay, đang quay lại kia kìa!
Nhược Hi vội đứng dậy, nhìn thấy một người hơn bốn mươi thong thả tiến vào, mi dài mắt sắc, mặt trắng râu chòm, khí chất nho nhã, trông chẳng hề giống tướng quân, mà giống văn nhân Giang Nam hơn. Nhược Hi không còn dũng khí tiến lên quỳ lạy nữa, cứ đứng đực ra.
Trông thấy Nhược Hi, Mã Nhi Thái tướng quân ra chiều sửng sốt, nhưng bước chân vẫn rất khoan thai. Vào tới nơi, trước tiên hành lễ với các a ca, sau ngồi xuống, bấy giờ ông ta mới đưa mắt nhìn Nhược Hi.
Nhược Hi vẫn đứng như trời trồng, Thập Tam bèn nhắc:
- Bây giờ khấu đầu được rồi đấy!
Nhược Hi thở dài tiến lại, quỳ xuống thưa:
- Mã Nhi Thái Nhược Hi vâng thánh chỉ khấu đầu trước a ma đại nhân.
Kế đó dập đầu ba lần. Mã Nhi Thái tướng quân cất giọng từ tốn:
- Đứng lên đi!
Nhược Hi làm theo. Mã Nhi Thái liếc sang người đàn ông ngồi bên, thấy ông ta lộ vẻ lúng túng, bèn hỏi Bát a ca:
- Tề Tề Cách sao vậy?
Bát a ca nín cười:
- Vừa rồi Nhược Hi nhận nhầm Tề Tề Cách phó tướng là tướng quân.
Mã Nhi Thái cau mày, đăm chiêu nhìn Nhược Hi:
- Nhược Lan viết thư kể là đã bình phục rồi cơ mà. Tại sao còn không nhớ ra ta?
Nhược Hi nghĩ bụng, không thể im lặng là vàng nữa, phải nghĩ cách đưa đẩy cho xong. Ngẫm nghĩ một lát, nàng thưa:
- Nhiều việc nhớ rõ, nhưng có những việc hãy còn mù mờ. Vừa nãy trông mặt phó tướng quen quen nên tiến lên tham bái. Vốn dĩ không muốn a ma biết bệnh tình của con mà lo lắng. Nào ngờ lại… – Càng nói, giọng nàng càng nhỏ rí đi.
Mã Nhi Thái nghe xong, gật đầu ngắm Nhược Hi một lúc rồi đứng dậy đưa mắt về phía các a ca:
- Tạ ơn Hoàng thượng thương tình, để cha con chúng thần gặp mặt nhau – Và bảo Nhược Hi – Về đi, tận tâm hầu hạ Hoàng thượng.
Nhược Hi gật đầu xin vâng. Vâng dạ xong định lui ra, Bát a ca liền gọi nàng lại, cười nói với Mã Nhi Thái tướng quân:
- Đã vâng chỉ ý của Hoàng a ma mà đến, thì ở thêm một chốc cũng không sao.
Chàng ngoảnh nhìn Tứ a ca. Tứ a ca cũng gật đầu với Mã Nhi Thái:
- Chẳng mấy khi được gặp nhau, hẵng cho Nhược Hi nán lại thêm một lát.
Mã Nhi Thái tướng quân bèn bảo Nhược Hi ở lại. Nhược Hi đâm buồn bực, Tứ a ca, Bát a ca có ý tốt, nhưng biết đâu lòng nàng khổ sở chỉ mong ngóng được đi cho mau.
Còn Thuỵ Cảnh hiên, Diên Sảng lâu chưa đi xem, cả đoàn nghỉ một chốc, lại tiếp tục dạo vườn. Các a ca cố ý đi trước, để hai cha con Mã Nhi Thái đi sau. Nhược Hi không biết nên nói gì, chỉ lẳng lặng cất bước. Được một quãng, Mã Nhi Thái tướng quân bỗng cảm khái:
- Năm năm không gặp, hệt như đã biến ra người khác ấy rồi!
Nhược Hi chột dạ, vội thưa:
- Đã mười tám hơn, làm sao còn giống cô bé con mười ba được ạ?
Mã Nhi Thái quay sang nhìn nàng, thở dài:
- A ma hiểu mà, con lại ở hoàng cung nữa. Chỉ là bùi ngùi trong dạ mà thôi.
Bấy giờ Nhược Hi mới yên tâm. Mã Nhi Thái tướng quân lại tiếp:
- Lúc trước nghe kể, nhị tiểu thư nhà chúng ta vào cung rất được Hoàng thượng trọng vọng, cứ nhớ cái tính của con, ta thật không sao tin nổi. Bây giờ nhìn lại, Hoàng thượng đặc cách cho con đến gặp ta, quả là ơn huệ ít thấy.
Nhược Hi vội nói:
- Đây không phải công lao của con, chắc là vì a ma chiến tích lẫy lừng, Hoàng thượng mới thưởng cho đấy chứ.
Mã Nhi Thái cau mày:
- Con với cha mà còn phải khách sáo ư?
Nhược Hi ngán ngẩm, thực tôi không biết nên nói với ngài thế nào nữa, càng nói càng sai, chỉ còn nước im lặng mà đi thôi.
Nhìn theo bóng mấy a ca đằng trước, Mã Nhi Thái tướng quân khẽ bảo:
- Không phải a ma trách cứ. Xót con đấy thôi. Cuộc sống trong cung gian nan thật.
Nói rồi thở dài thườn thượt.
Nhược Hi bùi ngùi trong dạ, ai cũng nói nàng thay đổi, e dè giữ kẽ, nhưng họ đâu biết phía trước là tương lai khắc nghiệt, không thay đổi mà được ư? Bất giác, nàng thấy thêm phần thân thiết với người cha xa lạ.
Đường dù dài, rồi cũng có lúc đi hết, huống hồ đây vốn chẳng phải đường dài. Thấy sắp đi trọn một vòng, Mã Nhi Thái tướng quân bèn hãm bước, ngó quanh, lại trầm tư dõi theo các a ca, hạ giọng dặn Nhược Hi:
- Không được giúp bất kì ai cả. Nhớ chưa?
Nhược Hi ngơ ngác quay sang. Mã Nhi Thái tướng quân vẫn đăm đăm trông ra phía trước, mặt không biểu lộ gì, khẽ khàng tiếp:
- Tình hình còn chưa rõ ràng, giữ mình là quan trọng nhất – Ngừng một lát, ông thêm – Con không phải là nữ quan bình thường, hành xử dứt khoát phải cẩn thận.
Nhược Hi sực hiểu, cảm giác ấm áp lan toả khắp người. Bao nhiêu năm nay, chưa một ai khuyên nhủ nàng như thế, nàng chỉ dựa vào chút ít kiến thức lịch sử của riêng mình và vốn liếng học hành nhiều năm mà giỏi hơn các thái giám cung nữ khác trong việc dò đoán ý muốn Khang Hy, rồi đi bước nào dò bước ấy mà thôi.
Các a ca đã đứng cả lại, ngoảnh nhìn hai cha con đang chậm chạp tới gần. Thấy sắc mặt Nhược Hi buồn bã âu sầu, tưởng nàng xót xa việc phụ tử mới gặp mặt đã phải chia phôi, ai nấy bèn quay đi giả vờ ngắm nghía phong cảnh.
Nhược Hi tiến tới, nhún gối cáo từ, Tứ a ca nói:
- Đi đi!
Nhược Hi quay đi, chợt bắt gặp Mã Nhi Thái tướng quân mỉm cười nhìn mình, mắt ánh lên nét bịn rịn. Nàng bỗng thấy xúc động, bèn đi lại chân thành xá dài, kêu: "A ma!" Mã Nhi Thái tướng quân gật đầu:
- Về đi! Tận tâm hầu hạ Hoàng thượng!
Nhược Hi thưa vâng, rồi bước thật mau.
oOo
Xuyên qua vòng lại giữa những hòn giả sơn, hành lang, nhịp cầu, Nhược Hi đến một bờ hồ trồng toàn thuỳ liễu. Những cành nhánh dài mảnh rủ xuống sát nước, gần đấy là một chiếc cầu nhỏ cong cong nối liền sang những ngọn núi giả nhấp nhô cao thấp, trên núi có nước, dẫn xuống đổ vào mặt hồ, làm nước rào rào sủi bắn tung toé. Nhờ giả sơn, thuỳ liễu, hồng kiều vây bọc, ngăn cách tầm mắt bên ngoài, nên nơi đây tự thành một không gian riêng biệt.
Nhược Hi ngắm cảnh sắc xung quanh, thầm khen thực là một nơi thú vị, vừa lúc cũng hơi mệt, bèn ngồi xuống ven hồ khoả nước nghịch chơi. Chợt nghe bên cạnh có tiếng động, nàng ngoảnh sang nhìn thì thấy Tứ a ca đứng giữa hàng liễu tự bao giờ, mình vận y phục xanh dương. Bởi cành liễu quá dày, rủ xuống tận đất, Tứ a ca ẩn phía sau, quần áo gần như tiệp màu với cây lá, Nhược Hi không tài nào phát hiện ra sớm hơn.
Lúc nàng trông thấy là lúc chàng đang rẽ một tán liễu. Qua cơn giật mình, nàng chỉ biết ngây ra mà nhìn, chàng lặng lẽ nhìn lại một lúc lâu, Nhược Hi mới sực tỉnh, vội vàng thỉnh an.
Tứ a ca cho nàng đứng dậy, rồi vừa rẽ liễu đi ra, vừa phủi đám lá vụn rơi trên người. Từ hôm mùng Một Tết, hôm nàng trả lại sợi dây chuyền, đến nay đã hơn bốn tháng, chàng tuyệt nhiên chưa phản ứng gì, đối xử với nàng như với những người khác, hai bên cũng chưa có dịp nào gặp riêng. Bây giờ bất ngờ chạm mặt chàng, Nhược Hi không khỏi ngốt lên, gắng trấn tĩnh cúi mình cáo từ. Tứ a ca ra điều không nghe thấy, nghiễm nhiên đi đến chỗ mố cầu, cúi xuống lôi dưới gầm cầu ra một chiếc thuyền rất xinh đẹp, chỉ hiềm hơi cũ.
Nhược Hi nói cho có chuyện:
- Sao vương gia biết ở đây có thuyền?
Tứ a ca vừa xoay xở vừa đáp:
- Hồi mười bốn tuổi, ta theo Hoàng a ma đến ở trong vườn, lúc ấy rất thích sự thanh tĩnh của cái hồ này, bèn sai người làm thuyền đặt ở đây – Chàng đứng thẳng dậy, đánh mắt ra hiệu bảo nàng lên thuyền.
Nhược Hi ngẩn người, nghi hoặc nhìn chàng:
- Vương gia chắc là còn dùng được chứ?
Tứ a ca chẳng buồn trả lời, liếc nhanh nàng rồi tự mình trèo lên trước. Ngồi xuống đâu đấy, chàng lặng lẽ quan sát nàng, ánh mắt rất kiên quyết, rõ là không cho nàng từ chối. Nhược Hi do dự, chỉ muốn bỏ đi, nhưng biết nhất định sẽ không được như ý, nên cứ lần lữa mãi một chỗ.
Tứ a ca không thúc giục, chờ đợi chán chê, cuối cùng vươn vai bảo:
- Ta hẵng ngủ một chốc, cô cứ từ từ suy nghĩ. Quyết định rồi thì lên gọi ta – Nói đoạn, chàng rục rịch nằm xuống.
Nhược Hi siết nắm tay, nghiến răng trèo lên thuyền. Đã không tránh được thì chỉ còn cách tuân theo thôi. Vả đang lúc thanh thiên bạch nhật, chàng ăn thịt nàng được chắc?
Nhìn quai hàm nàng bạnh ra, Tứ a ca mỉm cười lắc lắc đầu, lấy mái chèo đẩy vào bờ hồ, con thuyền bắt đầu dạt ra xa.
Càng xa bờ, lá sen mọc ken càng dày, Nhược Hi buộc phải cúi thấp đầu, lúc nghiêng trái, lúc né phải, lúc gập người xuống để tránh những chiếc lá tạt đến. Tứ a ca ngồi quay lưng lại hướng tiến, bởi thế lá sen chỉ trượt qua lưng chàng, không gây trở ngại gì hết. Thấy nàng luống cuống, chàng phì cười bảo:
- Trước ta toàn nằm xuống lòng thuyền, hay là cô cũng nằm xuống đi.
Nhược Hi không đáp, chỉ nhớn nhác né mình tránh lá sen.
Tứ a ca chèo đến một chỗ thì dừng lại, nhấc mái chèo lên, tiện tay ngắt bỏ mấy chiếc lá xoà vào mạn thuyền, gác mái cho thật chắc rồi ngả người ra đằng sau, hơi ngửa mặt, nhắm mắt nghỉ ngơi. Nhược Hi ngó quanh, bốn bề lá sen dày mướt, khắp nơi ngập một màu xanh, tưởng chừng lạc vào thế giới toàn sắc lục, không phân biệt nổi đâu với đâu nữa.
Không gian lặng ngắt như tờ, chỉ có tiếng lá lay khẽ trong gió nhẹ. Nhược Hi liếc Tứ a ca. Chàng hơi ngửa đầu, mặt nửa tối nửa sáng dưới tán lá ken nhau, thần sắc thư thái, không hề nhiễm vẻ băng giá như ngày thường.
Vẻ tận hưởng của chàng lây cả sang nàng. Nỗi căng thẳng và bất an lúc đầu từ từ tan biến, Nhược Hi bắt chước chàng ngả người ra sàn, đầu tựa lên đuôi thuyền, lim dim mắt. Bên trên có lá sen che nắng mà vẫn thấy chói, nàng bèn ngồi dậy, nhặt một trong những chiếc lá Tứ a ca vừa ngắt bỏ, chao qua nước rồi úp lên mặt, nhắm mắt lại như cũ.
Hương sen thơm mát rịn bên cánh mũi, sau theo hơi thở luồn vào tận tâm phế. Thuyền nhẹ dập dềnh cùng sóng khiến người bồng bềnh như ở trên mây. Không gian hoàn toàn yên tĩnh, tâm hồn Nhược Hi cũng thanh thản theo. Nước man mát và nắng âm ấm pha trộn nhau, không lạnh mà cũng không nóng, cảm giác thật vừa vặn.
Thoạt tiên, Nhược Hi vẫn còn bồn chồn trong dạ, thi thoảng nhấc lá sen ra len lén kiểm tra Tứ a ca. Nhưng thấy chàng cứ nhắm mắt nằm yên, nàng dần dần an tâm, thể xác và tâm hồn cùng ngập chìm trong chiều hè tuyệt diệu, các lỗ chân lông như cũng nở căng, háo hức hưởng thụ ánh nắng, làn gió, mùi hương và nếp sóng tinh khiết.
Đang lơ mơ ngủ, chợt cảm thấy con thuyền lắc mạnh, Nhược Hi giật mình trụt lá sen xuống, mở bừng mắt ra. Tứ a ca đã đổi vị trí đến ngồi ngay bên chân nàng, khuỷu tay chống mạn thuyền, bàn tay đỡ lấy đầu, âu yếm ngắm nàng.
Nhược Hi ngồi bật dậy. Hai khuôn mặt bỗng thành kề sát nhau, nàng lập tức ngả ngay ra như cũ. Thấy nàng chồm lên rồi lại nằm xuống, chàng bất thần toét miệng cười.
Mắt chàng ngời sáng và nồng ấm khác thường. Nhược Hi thấy lòng xao động, mặt mày nóng ran. Thà chịu đựng ánh mắt lạnh băng, nàng còn tỉnh táo nghĩ được cách ứng đối, chứ sự dịu dàng của chàng chỉ khiến nàng bấn loạn. Hệt như đang ngày đông gió lạnh căm căm, bỗng đâu chen vào một hôm đẹp trời ấm áp, khiến người ta không biết nên ăn mặc thế nào.
Nhược Hi gắng trấn tĩnh nhìn Tứ a ca. Mắt họ giao nhau, nàng cảm thấy đôi mắt thường khi lạnh lùng kia bỗng như nhuốm thêm rất nhiều sắc thái, khiến người ta cầm lòng không đậu, những muốn dò tìm, muốn chìm đắm vào nhiều tầng sâu kín hơn.
Và nàng cứ mông muội ngắm chàng, quên bẵng rằng mình muốn dùng ánh mắt ra ý cho chàng nhìn đi chỗ khác. Đến lúc sực tỉnh, nàng vụt khép mi, không dám ngó chàng nữa.
Nhắm mắt mà vẫn cảm thấy ánh nhìn của Tứ a ca nấn ná trên mặt mình, Nhược Hi đâm sợ, thầm nhủ không thể để chàng tiếp tục, nàng liền đậy lá sen lên mặt rồi lúng búng kêu:
- Đừng nhìn như thế nữa!
Tứ a ca bật cười. Đây là lần đầu tiên Nhược Hi nghe tiếng chàng cười, sàn sạn, kìm nén, không xác định được là cảm xúc gì, nhưng dẫu sao cũng mới mẻ, bởi chẳng dễ gì mà nghe được tiếng cười của vị lãnh diện vương gia này. Tứ a ca với tới định nhấc lá sen trên mặt Nhược Hi, nàng bèn chặn một tay giữ lá, một tay đẩy chàng ra.
Tứ a ca lật tay, nắm luôn lấy tay Nhược Hi. Nàng vội giật mạnh về. Chàng bèn bảo:
- Bỏ lá sen xuống, ta sẽ thả ngay.
Nhược Hi mặc cả:
- Vậy vương gia không được nhìn như ban nãy nữa.
Tứ a ca ừ khẽ. Nhược Hi ngần ngừ, chậm chạp nhấc chiếc lá khỏi mặt.
Tứ a ca vẫn giữ nguyên tư thế ban nãy, tay đỡ đầu chống trên thành thuyền, chỉ khác là tay còn lại đang nắm tay nàng. Nhược Hi cau mày, liếc chàng thật nhanh rồi nhìn lảng đi:
- Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy.
Tứ a ca buông tay. Một lát sau, cảm thấy chàng đã dời ánh mắt đi chỗ khác rồi, Nhược Hi mới quay mặt lại:
- Vương gia hẵng dịch ra một chút, để nô tỳ ngồi dậy.
Nàng những tưởng lại phải đôi co thêm một lúc nữa, không ngờ chàng nhích ngay ra sau, tuy không xa, nhưng cũng không đến nỗi sát rạt như vừa nãy. Nhược Hi hơi bất ngờ. Dễ thoả hiệp thế à? Và ngồi thẳng dậy.
Hai người cùng im lặng. Chẳng hiểu vì sao niềm hân hoan của Nhược Hi tan đi rất nhanh. Ngoài sự trầm ngâm đang ngự trị, có một chút gì là lạ lẫn vào. Nàng vội vàng hắng giọng, hầu cắt đứt cảm giác mơ hồ ấy đi:
- Vương gia có hay nằm nghỉ ở đây không?
- Cũng chẳng hay. Thi thoảng dăm ba bận, nhưng năm nào cũng lại kiểm tra xem thuyền còn dùng được không.
- Xem chừng vương gia rất thích chỗ này, vì sao thi thoảng mới tới?
Tứ a ca mím chặt môi, nét dịu dàng trên mặt phai dần, thay vào đó là vẻ lạnh lùng thường nhật. Một lúc lâu sau, chàng mới đáp khẽ:
- Say với phù hoa, chỉ tàn ý chí.
Chàng nhấc mái chèo, đưa thuyền trở lại. Lần này người ngồi quay lưng về hướng tiến là Nhược Hi. Lá sen thi nhau xô tới, Tứ a ca không hề né tránh. Mặc cho chúng táp vào đầu, vào mặt, vào người, chàng cứ dứt khoát quạt nước từng nhát, từng nhát một, không vì chúng mà làm chậm trễ hành trình.
Lòng nhộn nhạo đủ mọi cảm xúc, Nhược Hi chỉ biết thở dài. Lại là con người cũ, Ung Thân vương Dận Chân!