Chương : 17
Hôm qua Nhược Hi trực đêm đến tận sáng, về nhà cũng đã ngủ bù mà vẫn cảm thấy thiếu ngủ, lại không dám ngủ ngày quá nhiều, sợ đêm mất giấc thì mai sẽ mệt mỏi. Nàng nửa nằm nửa ngồi trên sập, tiện tay lấy cuốn trà phổ Chử tuyền tiểu phẩm của Điền Nghệ Hoành thời Minh rồi nghiêng lại gần đèn, chăm chú đọc.
Sách chất trên án chủ yếu đều là sách về trà. Hiện giờ Nhược Hi đã coi việc trà nước cho Hoàng đế là một công việc thực sự, người ta bao ăn, bao ở, tiền lương phúc lợi đều rất hậu hĩ. Công việc tuy hơi mất tự do, phép tắc lại nghiêm, hễ phạm sai sót là phải chịu phạt, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng, song thời gian ba năm qua đã giúp nàng tìm ra quy luật của trò chơi, tìm thấy tự do trong khuôn khổ. Nàng tâm niệm đã làm thì phải làm cho thật tốt, tuy vào nghề muộn, nhưng tính trong cung hiện nay, nếu nói về trà, ai cũng phải nể Nhược Hi.
Nàng đang đọc dở đoạn: "Người nay mời trà, thường cho thêm đường hay kẹo, e rằng không được nhã. Đường, kẹo dẫu ngon đến đâu đi nữa thì cũng ảnh hưởng, có khi còn làm mất hẳn hương vị nguyên sơ của trà. Ngoài ra, động tới đường, kẹo là phải dùng thìa, thìa vàng thìa bạc thì thiếu thanh tịnh, thìa đồng thì nhiễm mùi tanh, đều không được cả…", chợt nghe Vương Hỉ gọi ngoài cửa:
- Chị ơi, có nhà không đấy?
Nhược Hi ngồi thẳng dậy:
- Đèn sáng thì đương nhiên là có người ở nhà rồi. Chuyện gì vậy?
Vương Hỉ đáp:
- Sư phụ tôi gọi chị sang.
Nhược Hi vội buông sách, đến trước gương chải qua tóc, chỉnh trang y phục, thổi tắt đèn rồi kéo cửa bước ra.
Thấy nàng, Vương Hỉ cúi mình vẩy tay chào, đoạn vừa quay đi vừa bảo:
- Vạn tuế gia cứ mải bận bịu với cái gì đấy mà người Tây dương dạy cho, đã mấy lần sư phụ tôi ướm hỏi bảo dọn cơm, Vạn tuế gia chỉ ừ hữ, nhưng chẳng chịu đứng lên. Giờ đã muộn rồi, sư phụ tôi nói mời chị sang nghĩ cách.
Nhược Hi cười nụ, đúng là "tháo vát thì lắm nhọc nhằn". Còn nhớ hồi vào cung được hơn nửa năm, một tối nàng trực trong phòng ấm, Khang Hy thì phê duyệt tấu chương đến tận nửa đêm. Trước đây chưa bao giờ ông làm việc khuya khoắt đến vậy, nhưng dạo ấy ba bốn ngày liền ông đều thức đêm giải quyết giấy tờ, thái giám hầu cận là Lý Đức Toàn vừa lo cho sức khỏe chủ nhân, lại vừa không dám lên tiếng can ngăn, đứng hầu bên cạnh mà mặt mày nhăn nhó.
Lúc ấy Nhược Hi cũng rất bỡ ngỡ, thầm thừa nhận muốn làm một vị vua sáng ngàn đời kể cũng vất vả thật, nàng len lén quan sát Khang Hy. Đã quá ngũ tuần, mấy đêm liền đều ngủ muộn, sáng ra còn dậy thật sớm lên triều, khuôn mặt ông không giấu được vẻ mệt mỏi. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến hay thế nào, lúc ấy mắt cay cay, nàng bỗng nhớ lại cảnh cha mình, một giáo viên lớp Mười hai, thường phải chấm bài soạn giáo án đến tận đêm khuya. Nhiều khi mẹ lo lắng quá, bèn tắt luôn đèn, buộc cha phải đi ngủ. Khang Hy thì chắc chẳng có người vợ nào như vậy.
Vẩn vơ nghĩ ngợi mãi, tự dưng không hiểu tại sao đầu óc mơ màng, nàng buột miệng giục:
- Muộn lắm rồi, nghỉ đi kẻo ốm thì lại càng nhỡ việc!
Nhược Hi dứt lời, trong phòng tịch mịch, ai nấy cùng trợn mắt khiếp đảm nhìn nàng, bầu không khí vẩn lên một mùi hãi hùng đáng sợ. Nhược Hi cũng sực tỉnh, tự nhiên rước họa vào thân! Nàng thụp ngay xuống đất. Lý Đức Toàn nghiêm mặt toan trách mắng, chợt nghe Khang Hy thở dài rồi mỉm cười bảo:
- Hồi chưa xuất cung, Thập cách cách của trẫm cũng luôn cằn nhằn bắt trẫm đi ngủ – Ông nghiêng đầu, thẫn thờ nghĩ ngợi chốc lát rồi khẽ lắc đầu, bảo Lý Đức Toàn – Thu dọn tấu chương lại, hôm nay hẵng nghỉ vậy!
Lý Đức Toàn nở nang mày mặt, liền cao giọng đáp: "Vâng!" và mau mắn đỡ Khang Hy đứng dậy.
Nhược Hi vẫn quỳ dưới đất. Lúc đi qua nàng, Khang Hy nhìn thoáng rồi bảo:
- Đứng lên!
Nhược Hi khấu đầu: "Tạ ơn hoàng thượng!" và đứng lên. Khang Hy ngắm nghía nàng một lát, cười hỏi Lý Đức Toàn:
- Đây chẳng phải là "Nàng Liều" nhà Mã Nhi Thái hay sao?
Lý Đức Toàn vội đáp là đúng. Khang Hy không nói gì nữa, đi thẳng ra ngoài, bấy giờ Nhược Hi mới biết lưng mình đã ướt đẫm. Thì ra nàng cũng sợ chết đến thế, lòng thầm cảm ơn cô Thập cách cách chưa từng gặp mặt, xem ra Khang Hy rất thương yêu cô ta.
Từ sau vụ ấy, Lý Đức Toàn nghiễm nhiên coi Nhược Hi là "phúc thần" của mình, động đến những việc tương tự là bảo nàng nghĩ cách. Cũng may tuy phải nghĩ nát cả óc, lại rất nhiều rủi ro, nhưng nói chung hiệu quả lần nào cũng như ý.
Vương Hỉ dừng chân, khẽ nói:
- Chị tự vào đi!
Nhược Hi gật đầu, rón rén tiến vào phòng.
Vào tới nơi, bắt gặp Lý Đức Toàn, lúc ấy đang đứng chếch sau lưng Khang Hy, nháy mắt với mình, Nhược Hi gật đầu rất nhẹ đáp lại và khẽ khàng tới gần nhà vua, làm động tác như định thay trà. Nàng nhấc chén lên, liếc nhanh xuống bài toán hình học Khang Hy đang giải, rồi chậm rãi lui ra.
Nhược Hi vào phòng trà, vừa súc trà vừa nghĩ, nhìn qua thì đề bài đó không phải là khó, vấn đề ở chỗ đường thẳng phụ mà Khang Hy kẻ thêm lại sai vị trí mất rồi. Nhưng chứng minh hình học là thế, một khi đã bí thì phải mất đôi chút thời gian mới nhận ra được. Kỳ thực nếu bây giờ ông cứ tạm gác đấy đừng làm nữa, có khi ngày mai nhìn lại đề bài sẽ thở dài tự thán sao hôm qua mình ngốc thế, không biết chỉ cần sửa đường kẻ phụ là xong luôn.
Nghĩ là nghĩ vậy, Nhược Hi cũng không thể vào khuyên Khang Hy nên vẽ đường phụ theo hướng này hướng ấy, hoặc là chứng minh theo cách nọ cách kia. Nàng có được bọn giáo sĩ Thiên chúa Joachim Bouvet, Jean Franois Gerbillon của Pháp hay Thomas Pereira của Bồ Đào Nha dạy toán như Khang Hy đâu. Nhỡ ông hỏi tại sao nàng giải được, nàng biết trả lời thế nào?
Khẽ đặt trà xuống bàn xong, Nhược Hi trấn tĩnh rồi nhẹ nhàng gọi:
- Hoàng thượng!
Khang Hy không ngẩng đầu lên, chỉ "ừm" một tiếng. Ngần ngừ chốc lát, Nhược Hi tiếp tục:
- Thế này thì chỉ e về sau mấy ông Tây dương ấy chẳng dám giảng hình học cho Hoàng thượng nữa.
Khang Hy lại "ừm", mắt vẫn thẫn thờ ngó đề bài. Nhưng gần như ngay lập tức, ông chợt ngẩng lên nhìn. Nhược Hi khom mình, nhẹ nhàng thưa:
- Họ để Hoàng thượng làm quen với những bài toán, chắc cũng tưởng là việc hay, nhưng Hoàng thượng lại cặm cụi giải đến bỏ bê cơm nước, tổn hại bản thân, chẳng phải vô tình biến bọn họ thành kẻ có tội hay sao? – Ngừng một thoáng, thấy Khang Hy không biểu lộ gì, Nhược Hi bèn tiếp – Huống hồ mấy người ấy cũng nói, nếu để thời gian tĩnh tâm suy nghĩ, chưa chừng sẽ tìm được đáp án dễ dàng hơn.
Nói xong, tim đập thùm thụp, mồ hôi túa ra. Khang Hy ném bút xuống, đứng dậy vươn vai:
- Lý Đức Toàn, lại ngươi bày trò đây!
Lý Đức Toàn cúi mình cười mơn:
- Thực bụng, nô tài chỉ lo cho sức khỏe của Hoàng thượng.
Khang Hy mỉm cười:
- Được rồi! Dọn cơm đi!
Lý Đức Toàn hô "Vâng" một tiếng, xong đi nhanh ra phân phó Vương Hỉ.
Khang Hy cúi nhìn Nhược Hi:
- Càng lúc càng táo gan, đều Lý Đức Toàn dung túng cả.
Nhược Hi vội quỳ xuống đất:
- Nô tỳ cũng lo cho long thể Hoàng thượng mà – Nói đoạn dập đầu.
Khang Hy bảo:
- Đứng dậy!
Nhược Hi đứng dậy. Khang Hy nhận xét:
- Ngươi hay lưu tâm nhỉ! Ra vào phục dịch vài lần mà nhớ hết những lời ấy.
Nhược Hi bèn thưa:
- Chẳng qua toàn điều mới mẻ, nên mới chú ý mà thôi.
Khang Hy không gặng hỏi nữa, vừa bước ra ngoài vừa bâng quơ:
- Nếu Đại Thanh ta ai cũng có lòng học hỏi những điều mới mẻ như vậy, lo gì bốn bể chẳng cúi đầu?
Nói xong, người đã khuất dạng ngoài cửa. Nhược Hi thở dài, nói nghe mới dễ dàng sao. Trung Quốc mấy ngàn năm luôn tự hào nước lớn dân giàu, coi bản thân mình là trung tâm thế giới, tư tưởng ấy khó lòng thay đổi chỉ nhờ phấn khích nhất thời của một quân vương. Mãi sau này trải qua nỗi đau ghi xương tạc dạ, suýt nữa thành nô lệ mất nước, Trung Quốc mới nghiêm túc ý thức được rằng thì ra chúng ta cần phải học hỏi thế giới bên ngoài. Khang Hy cô đơn không phải chỉ vì trơ trọi một mình trên ngôi cao, mà còn vì ông hiểu biết quá nhiều, tầm mắt nhìn quá xa so với thời đại. Từ xưa tới nay, bậc trí giả vốn đều cô độc, huống hồ ông lại còn là hoàng đế!
oOo
Đúng ra hôm nay không phải phiên trực của Nhược Hi, nhưng bỗng nhớ ra buổi chiều người ta đưa vào cung mấy loại trà mới, sợ Vân Hương, Ngọc Đàn thu cất không đúng lại ảnh hưởng đến hương vị, Nhược Hi hấp tấp rời nhà sang kiểm tra. Đang bước men theo con đường nhỏ ven rừng cây thì trông thấy Thập a ca và Thập Tứ a ca đi ngược lại, nàng bèn đứng nép bên lề, nhún gối thỉnh an. Thập a ca trách:
- Ở đây chẳng có người ngoài, cô đa lễ thế làm gì?
Thập Tứ a ca thì chỉ hừ mũi, không nói không rằng. Nhược Hi đứng thẳng dậy, tủm tỉm hỏi Thập a ca:
- Anh về phủ đấy à?
Thập a ca cười đáp:
- Rời cung thôi, chưa về phủ, lại đằng Bát ca đã.
Nhược Hi ngẫm nghĩ, đoạn nói:
- Cũng lâu rồi không gặp Bát a ca, nhờ anh chuyển lời hỏi thăm sức khỏe hộ tôi nhé!
Thập a ca chưa kịp đáp, thì Thập Tứ lạnh lùng đứng bên nãy giờ đã xen ngang:
- Nếu cô thực lòng nhớ Bát ca, cần chi mấy trò hỏi thăm vờ vịt ấy? Nếu tim cô đã có kẻ khác, vất vả gì mà phải giả bộ để lòe người ta?
Nhược Hi và Thập a ca đều ngớ người, không hiểu Thập Tứ nghĩ thế nào mà tuôn ra những lời như vậy. Hai người nhìn nhau nghi hoặc, rồi lại thắc mắc nhìn Thập Tứ. Thập Tứ a ca nói xong, ra chiều sốt ruột giục giã:
- Thập ca, rốt cuộc anh có đi không? Nếu không, tôi đi trước.
Dứt lời, gã không đợi anh trai phản ứng, đã rảo chân đi liền.
Thập a ca ném cho Nhược Hi một cái nhìn khó hiểu, đoạn nhớn nhác chạy theo Thập Tứ. Nhược Hi quay mình, chau mày nhìn bóng hai anh em xa dần, tự hỏi nàng đắc tội với tên Mười bốn này lúc nào? Chẳng lẽ là vì Thập Tam? Nhưng mấy năm qua, Thập Tứ thừa biết nàng và Thập Tam rất thân nhau rồi, bỗng dưng lại nổi giận là sao đây?
Nhược Hi bước đi, vô thức lần đến chiếc vòng ngọc nơi cổ tay. Suy cho cùng, ta có nhớ chàng không? Câu hỏi mà hằng năm chàng đều đưa ra ấy, năm nay ta sẽ trả lời thế nào? Hoặc giả, chàng đã hỏi đến ba năm, năm nay liệu chàng còn hỏi không? Biết đâu chàng đã mệt mỏi rồi thì sao!
Đang thất thần nghĩ ngợi, Nhược Hi xô phải một người, mất đà suýt ngã ngửa, cũng may người nọ giơ tay ra giữ kịp, nàng mới đứng vững. Nhận ra Thập Tam, nàng không nhịn được trách móc:
- Anh! Cái đồ tai quái, trông thấy tôi mà không buồn đánh tiếng.
Thập Tam cười xòa:
- Thấy cô mải nghĩ ngợi quá, ta nghĩ để xem có xô phải ta không nào, như thế cô mới tỉnh ngộ được – Ngừng một lát, gã nắm tay chống cằm, nén cười bảo – Muốn được ôm ấp nên lao vào lòng ta thì cũng chẳng sao, nhưng một đại mỹ nhân thế này mà thình lình nhảy bổ vào lòng người khác, thiên hạ sẽ nghĩ xiên nghĩ xẹo đấy.
Nhược Hi dẩu môi lườm Thập Tam, không nói không rằng. Thập Tam hỏi:
- Nghĩ gì thế?
- Không cho anh biết – Nhược Hi đáp – Thôi, tôi còn việc quan trọng phải làm, không tán nhảm với anh nữa.
Thập Tam cười bảo:
- Đi đi, nhưng đừng vừa đi vừa nghĩ.
Nhược Hi không trả lời, nhấc gót đi luôn, lúc ngang qua Thập Tam, không nhịn được co khuỷu tay thúc gã một cái. Nghe gã "Ối da!" một cách khoa trương, nàng cười nụ, rảo bước đi mau, bỏ lại đằng sau một tràng cười.
Đi chưa bao xa, chợt nghe tiếng chân dồn tới sau lưng, Nhược Hi ngoái đầu trông thì thấy Thập Tam đang sải bước về phía mình. Nàng ngờ vực hỏi gã:
- Chuyện gì đây?
Thập Tam bước mấy bước cuối thật nhanh, đến gần thì dừng lại bảo:
- Muốn hỏi cô một chuyện, nhưng độ này chẳng có dịp nào thích hợp nên suýt quên.
- Hỏi đi!
Thập Tam cười cười:
- Vì sao lần trước cô muốn giúp Tứ ca?
Nhược Hi ngẩn ra, lục lọi đầu óc mãi vẫn không hiểu Thập Tam đang nói chuyện gì, đành hỏi:
- Tôi giúp Tứ gia lúc nào nhỉ?
Thập Tam mỉm cười, lắc lắc đầu:
- Vụ cống phẩm, cô đổ nước trà vào người anh Mười đó.
Nhược Hi hít ngược, miệng hơi há ra, trố mắt nhìn Thập Tam a ca. Cũng lúc ấy, trong đầu nàng nổ rầm một tiếng, vỡ lẽ vì sao Thập Tứ gặp mình lại khó chịu như vậy.
Một lúc lâu sau, hệt như bong bóng xì hơi, Nhược Hi ỉu xìu nói:
- Đấy vốn dĩ là do vô tâm, vừa khéo trùng hợp mà thôi.
Thập Tam cười:
- Bất kể vô tâm hay hữu tâm, tiện đây ta cũng muốn cảm ơn cô. Nếu không nhờ cô, chẳng biết cái miệng Thập ca còn bẻo lẻo những gì. Không phải là sợ anh ấy, mà sợ giải thích với Hoàng a ma nó lằng nhằng ra – Nói xong, đợi một chốc không thấy Nhược Hi hé răng, gã bèn bảo – Ta về đây, cô cũng đi lo việc của mình đi nhé!
Nhược Hi máy móc gật đầu, xoay mình chậm chạp bỏ đi. Chẳng biết đầu óc nghĩ gì, chỉ biết tay lại lần đến chiếc vòng Phượng huyết, chân bước nặng nề. Đến một lúc bừng tỉnh, nhận ra mình đã đi lạc hướng, cách xa cung Càn Thanh tự khi nào rồi, nàng thầm thở dài, chẳng còn tâm trí đâu lo việc trà mới nữa, bèn trở gót về phòng.